Theo ông Phong, tổ công tác sẽ gồm có Sở Tài nguyên Môi trường, Thuế, Ngân hàng… cùng ngồi lại với nhau để hệ thống lại tất cả các dự án gặp khó khăn về vấn đề đất đai, thủ tục. Từ đó, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp theo từng nhóm. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền Trung ương thì sẽ đăng ký làm việc với Chính phủ để cùng tháo gỡ.
Chủ tịch TP đề nghị không để xảy ra trường hợp dự án hồ sơ đã hoàn chỉnh, sẵn sàng đóng tiền sử dụng đất nhưng vẫn không được chấp thuận. Những đơn vị, cơ quan nào gây phiền hà, không quyết liệt trong việc tạo điều kiện về môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp thì người đứng đầu đơn vị, cơ quan đó phải chịu trách nhiệm.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ thị trường BĐS, không cung cấp các thông tin để đẩy giá BĐS, nhất là ở khu vực ngoại thành. Rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người sử dụng đất. Tập trung tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc của các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố.
Trước đó, sau hội nghị "Gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền thành phố với doanh nghiệp kinh doanh BĐS năm 2021", Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đã có chỉ đạo các sở ngành tháo gỡ vương mắc cho các dự án BĐS.
Theo đó, UBND Tp.HCM giao Sở Kế hoạch và đầu tư nghiên cứu, báo cáo Tổ công tác đầu tư thành phố xem xét giải quyết 61 hồ sơ dự án do Sở Xây dựng chuyển sang để tháo gỡ cho doanh nghiệp trước ngày 15/4/2021. Sở Xây dựng có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ cho Sở Kế hoạch và đầu tư thực hiện; giao Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Hòa Bình - phụ trách mảng xây dựng làm việc với các sở, ngành liên quan và Hiệp hội bất động sản Tp.HCM để giải quyết cụ thể từng nội dung kiến nghị. Sau đó báo cáo cho Thường trực UBND Tp.HCM xem xét giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền. Đối với các nội dung ngoài thẩm quyền thành phố sẽ báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương.
Hạ Vy
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị