Thị trường BĐS Tp.HCM trong 2 năm qua gặp nhiều khó khăn về nguồn cung mới do ảnh hưởng bởi việc rà soát pháp lý các dự án, khiến hàng trăm dự án đứng hình, dẫn đến nguồn cung mới khan hiếm.
Cùng với đó nhờ sự phát triển mạnh về hạ tầng giao thông ở khu Đông Tp.HCM đã tạo đà cho giá BĐS ở khu vực này liên tục tăng trong khoảng 3 năm trở lại đây. Theo nghiên cứu của CBRE, mặt bằng giá nhà đất ở một số khu vực quận 2, quận 9 tăng gấp 2 đến 3 lần trong khoảng 3 năm qua.
Khu Đông cũng là nơi được đầu tư mạnh nhất về hạ tầng giao thông trong những năm qua. Trong tổng số 216 dự án hạ tầng giao thông mà Tp.HCM triển khai thì khu Đông chiếm tới 70%, tổng nguồn vốn đầu tư lên tới 350.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2010-2020. Vì thế, khu vực này đang được xem là nơi có hạ tầng giao thông phát triển nhất Tp.HCM với các tuyến đường quan trọng đã hình thành như xa lộ Hà Nội, cao tốc Long Thành – Dầu Giây nối với Thủ Thiêm, đường vành đai 3,…
Đặc biệt, khu Đông Tp.HCM còn có thể kết nối rất thuận tiện với khu vực Long Hưng, Long Thành (bên kia sông Đồng Nai) với các dự án giao thông mới đã và đang được xây dựng như đường Hương Lộ 2 dọc sông Đồng Nai, dự án cầu Cát Lái và cầu Đồng Nai 2 cũng sẽ được xây dựng nối đường Nam Cao…
Vì thế, Đông Sài Gòn trở thành điểm nóng về thị trường BĐS những năm qua. Tuy nhiên, do khó khăn chung của thị trường Tp.HCM cũng như tác động của dịch Covid-19, thị trường BĐS khu vực này chỉ diễn ra sôi động cục bộ ở những dự án lớn được triển khai xây dựng như Vinhomes Grand Park ở quận 9 và mở rộng sang bên Long Hưng (Đồng Nai) là Aqua City của Novaland hay Long Thành New City,…
Hiện Tp.HCM đang đề xuất thành lập "thành phố phía Đông" trực thuộc Tp.HCM bằng việc sáp nhập 3 quận gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức nhằm phát triển khu đô thị sáng tạo phía Đông ở khu vực này. Tạo động lực phát triển kinh tế cho toàn vùng với việc hình thành các trung tâm mới như trung tâm công nghệ tài chính ở quận 2; trung tâm công nghệ sinh thái, trung tâm sản xuất tự động, trung tâm công nghệ giáo dục ở quận 9…
Mới đây, một số ý kiến của chuyên gia trong ngành còn cho rằng để tạo để có dư địa phát triển kinh tế xã hội, trong đó có BĐS "thành phố phía Đông" có thể sáp nhập thêm một phần huyện Long Thành và Nhơn Trạch, thậm chí cả sân bay quốc tế Long Thành của tỉnh Đồng Nai.
Theo nhận định của một số chuyên gia địa ốc, việc hình thành "thành phố phía Đông Tp.HCM" sẽ trở thành một đầu tàu kinh tế mới, tạo động lực cho nền kinh tế TP.HCM cũng như thị trường BĐS tăng trưởng. Thị trường BĐS nơi đây sẽ trở nên sôi động hơn.
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM khẳng định, bất động sản nhà ở, văn phòng sẽ có nhiều cơ hội phát triển thời gian tới. Nếu TP phía Đông được thành lập, quy mô dân số cỡ khoảng 1 triệu người tương đương Đà Nẵng. TP được định hướng phát triển thành khu đô thị sáng tạo, nên sẽ thu hút lượng lớn cư dân là các nhà khoa học, chuyên gia cấp cao trong và ngoài nước. Dân số có thu nhập cao nên khu vực sẽ thu hút việc phát triển các BĐS cao cấp…Trong thời gian tới, khu Đông vẫn còn nhiều dư địa phát triển, trong thời gian tới vẫn sẽ là tâm điểm dẫn dắt thị trường bất động sản TP.HCM.
Hiện nay, thực tế thị trường cho thấy nhiều khu vực tại khu Đông giá bất động sản tiếp tục tăng bởi nguồn cung khan hiếm do TP.HCM siết chặt các thủ tục pháp lý đầu ra cho dự án nhà ở, nguồn cung mới ít xuất hiện, sự điều chỉnh bảng giá đất giai đoạn 2019-2024, quỹ đất thành phố ngày càng hạn hẹp...Khu vực này cũng đang trở thành lựa chọn an cư mới của người dân Tp.HCM với tiêu chí là sinh thái, an lành, thiên nhiên.
Việc mở rộng đô thị về khu Đông không phải bây giờ mới nhắc tới mà trước đó khu vực này đã đón nhận làn sóng đầu tư "khủng" từ các tập đoàn lớn. Hầu hết các "ông lớn" BĐS đều đã xuất hiện như Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh, Đất Xanh, Khang Điền, Đại Quang Minh, Nam Long…khu vực phát triển đô thị còn đang dịch chuyển mạnh mẽ sang bên kia sông Đồng Nai với chuỗi dự án lớn dọc đường Hương Lộ 2 nối với cao tốc Long Thành-Dầu Giây và Nhơn Trạch, trong vòng bán kính khoảng 15km xung quanh sân bày Long Thành.
Khu Đông Sài Gòn được đầu tư mạnh về hạ tầng
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&B DKRA Việt Nam, nhận định việc thành lập TP ở khu Đông không chỉ là cú hích tăng trưởng cho cả thị trường địa ốc Tp.HCM nói chung và còn là động lực cho BĐS quận 2, quận 9 và Thủ Đức. Điều này sẽ có tác động làm thay đổi trước tiên là về việc đầu tư hạ tầng. Các tập đoàn lớn sẽ tăng cường đầu tư lớn hơn, từ đó tác động đến mức giá bất động sản tại khu vực này, vốn dĩ luôn dẫn đầu thị trường trong 5 năm qua.
Theo giới kinh doanh địa ốc, khu Đông Sài Gòn hiện đã và đang được đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn mà trong tương lai còn còn có nhiều dự án lớn kết nối vùng khác. Đơn cử như đường vành đai 3 đang dần hoàn thiện, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên sắp hoạt động, cầu Đồng Nai 2 kết nối với khu Long Hưng (Đồng Nai), và mới đây nhất là Đồng Nai được giao thực hiện dự án cầu thay phà Cát Lái với chi phí đầu tư gần 7.200 tỷ đồng…sẽ tạo động lực phát triển đô thị mạnh ở khu vực này trong tương lai gần.